Mỗi dân tộc đều có những đặc điểm nhận dạng, trong đó có trang phục, tiếng nói và chữ viết. So với người Mường, người Thái, thì cộng đồng người Thổ không lớn, chỉ có gần 9.500 người, tập trung chủ yếu ở huyện Như Xuân. Tuy vậy, cùng với sự giao thoa và tiếp biến văn hóa, nhiều phong tục truyền thống của người Thổ đã bị mai một, thậm chí mất đi, trong đó có nghề dệt sợi gai.
Một nét đẹp văn hóa
Nếu người Kinh ở khu vực đồng bằng ven sông là nơi có phù sa tốt tươi tạo điều kiện cho những cây dâu tằm phát triển thì với người Thổ sống vùng núi Như Xuân chủ yếu là đất đỏ, đất đá vôi, khí hậu khắc nghiệt lại rất phù hợp với cây gai. Từ những cây gai xù xì người Thổ lại sáng tạo nên những sợi gai để làm ra các dụng cụ, trang phục cho chính mình.
Nghệ nhân Lê Thị Dung ở thị trấn Yên Cát năm nay đã 77 tuổi nhớ lại: Khi mùa xuân đến các mê, các ún lại mang hạt ra trồng. Trồng được cây gai đã vất vả, để lấy được sợi gai còn vất vả hơn nhiều. Và đặc biệt để đưa được sợi gai vào khung cửi còn cần sự khéo léo. Để có được thớ vải mịn màng, người dệt phải thuần thục từ khâu làm trục cuốn vải, tạo khuôn dệt đến sự nhịp nhàng của đôi tay, đôi chân.
Nhờ những sợi gai ấy, người ta đã dệt nên những chiếc chăn để tránh rét ở vùng núi đá; dệt nên quần áo, khăn đội đầu vào mùa hè. Bởi đặc tính của sợi gai là mát hè, ấm đông. “Để sợi gai được đẹp, người Thổ còn phải tìm kiếm vỏ và các loại củ cây như lá khót vàng, lá thơm để nhuộm. Qua đủ quy trình, đến được tới công đoạn dệt thì sự khó khăn càng khó khăn hơn. Chỉ những người quen tay hay làm mới biết mắc sợi vào khung cửi. Mắc thế nào để khi dệt hai biên vải cứng, không bị rách, nhưng bên trong vẫn có độ rủ và sự mềm mại. Đặc biệt, tùy từng sản phẩm dệt mà có cách mắc sợi khác nhau. Ngoài bàn tay ra thì bàn chân đạp xuống cũng phải đúng, vừa đủ mạnh nhưng phải thật nhịp nhàng”, bà Dung chia sẻ.
Giới thiệu thêm với chúng tôi, chị Lê Thị Ngân, con gái nghệ nhân Lê Thị Dung, cho biết: Công cụ dệt của người Thổ vẫn còn khá thô sơ, nhưng với bí quyết dệt, đồng bào dân tộc Thổ đã tạo nên những tấm vải rất đặc trưng từ sợi vải đến mùi vải để cho ra đời những trang phục có màu sắc và họa tiết hoa văn đơn giản. Không hoa mỹ, cầu kỳ như người Thái, không sặc sỡ như trang phục người Mông, những chiếc váy của người Thổ Như Xuân thường có màu nâu nhạt, hoa văn là sự pha trộn giữa màu trắng và xanh nhạt.
Ngày nay, quá trình hòa nhập, giao thoa văn hóa giữa các dân tộc diễn ra mạnh mẽ, thế hệ trẻ người Thổ cũng tiếp nhận và hưởng ứng các làn sóng văn hóa hiện đại và đa dạng. Chỉ trong những ngày hội, lễ, tết, phụ nữ dân tộc Thổ mới mặc trang phục truyền thống, còn nam giới thì hoàn toàn sử dụng trang phục của người Kinh. Một nét đẹp văn hóa đang bị mất đi.
Và những trăn trở
Là 1 trong số 40 người tham gia chương trình tập huấn phương pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nghề thủ công, nghệ thuật thêu hoa văn trên trang phục truyền thống dân tộc Thổ gắn với phát triển du lịch năm 2022, nhưng khi chúng tôi hỏi bà Nguyễn Thị Nhất đã bao lâu rồi bà không còn ngồi trước khung cửi dệt váy, bà cho biết: Nhiều năm trước tôi có dệt, nhưng con cháu không mặc nữa nên bỏ khá lâu rồi, khung cửi cũng bị con cái cất bỏ chỗ nào không hay.
Ở Yên Cát, người đồng bào dân tộc Thổ chiếm 53% dân số của toàn thị trấn và cũng là địa phương có người Thổ sinh sống lớn nhất trên địa bàn huyện Như Xuân. Tiếp theo là Hóa Quỳ với 38% người Thổ trên tổng số dân của xã. Tuy vậy, qua khảo sát ở cả hai địa phương này, hiện không có gia đình nào còn giữ được khung cửi. “Đó là điều đáng tiếc”, ông Lê Phúc Hải, Chủ tịch UBND xã Hóa Quỳ chia sẻ.
Chia sẻ về nguy cơ mất đi những nét đẹp truyền thống, ông Lê Đình Huấn, Chủ tịch thị trấn Yên Cát cho biết: Bản thân chúng tôi cũng nhìn thấy được vấn đề đó, nhưng đang loay hoay không biết làm gì. Gần đây nhất, chúng tôi có tổ chức lớp tập huấn, cầm tay chỉ việc về cách dệt, thêu hoa văn, kỹ năng may mặc cho 40 người, trong đó có 10 người đã thành thục nghề. Để tổ chức lớp chúng tôi mua 40 khung cửi tặng các học viên. Tuy nhiên, sau khi kết thúc lớp học, không một học viên nào mang khung cửi về gia đình.
Ông Huấn nói thêm: Thực tế đó cho thấy một phần do ý thức người dân, một phần do công tác giữ gìn và bảo tồn các giá trị truyền thống chưa có những chương trình cụ thể, thiết thực để họ thấy việc giữ gìn trang phục truyền thống là điều rất quan trọng.
Theo ông Cao Tiến Dũng, Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện cho biết: Trong Đề án phát triển du lịch cộng đồng huyện Như Xuân giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, có nhấn mạnh việc lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc được gắn liền với mô hình phát triển du lịch cộng đồng của huyện. Tuy nhiên, thực tế hiện nay người Thổ ở Như Xuân không tự dệt lấy vải dùng mà trao đổi sợi gai cho người Thái, người Mường để lấy vải may váy, áo. Nghề trồng gai lấy sợi, lấy lá vẫn đang được duy trì, song nghề dệt sợi gai về cơ bản đã mất. Để khôi phục lại nghề này, rất cần có thêm sự quan tâm, chung tay vào cuộc của cả cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ người Thổ hôm nay.
Thực tế việc mai một nghề truyền thống và trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Thổ đã và đang diễn ra. Trong nhiều nguyên nhân thì bởi cộng đồng người Thổ có dân số ít, lại không hình thành thành những chòm xóm đông đúc mà sống rải rác xen kẽ trong cộng đồng người Kinh, vì thế việc tiếp biến văn hóa, hòa tan văn hóa là khá dễ dàng.
Đúng như ông Lê Đình Huấn trăn trở: “Nghề dệt sợi gai có thể không mang lại kinh tế, nhưng mất nghề truyền thống, mất cả trang phục truyền thống thì nguy cơ mất bản sắc văn hóa là điều nhìn thấy được”.