Việt Nam kỳ vọng GDP năm 2023 sẽ đạt 6%, và để đạt được mức tăng trưởng này, Chính phủ đặt trọng tâm vào ba lĩnh vực là xuất khẩu, dịch vụ và tiêu dùng.
Người dân mua sắm tại siêu thị ở TP. Thủ Đức, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Xuất khẩu năm nay có nhiều điểm sáng, nhất là xuất khẩu nông, thủy sản, trong khi du lịch có thể đạt 13 triệu du khách nước ngoài, nhưng tiêu dùng thì không có sự biến chuyển mạnh mẽ nào đáng kể.
Tiêu dùng là khâu cuối của chuỗi: sản xuất – phân phối – tiêu dùng, một khi tiêu dùng sụt giảm, ngưng trệ thì sản xuất đình đốn, hàng hóa tồn kho, công nhân mất việc, nghèo đói gia tăng.
Vậy làm thế nào để người dân có được tâm lý vui chơi, các con đường mua sắm sôi động trở lại? Điều này phụ thuộc rất nhiều vào những động thái từ Nhà nước.
Để tạo ra tâm lý tiêu dùng, Chính phủ Thái Lan đã ban hành các chính sách đột phá được coi như cú đẩy khởi động (depart) cho toàn bộ xã hội Thái chuyển động, thoát ra khỏi tình trạng trì trệ, ngưng đọng.
Chính sách đáng nể nhất là vào ngày 11-9, tức chỉ sau 20 ngày nhậm chức (22-8-2023) tân Thủ tướng Srettha Thavisin đã công bố chương trình phát trực tiếp 560 tỉ baht (16 tỉ USD) vào ví điện tử cho người Thái để kích thích tiêu dùng.
Theo quyết định này, mỗi công dân Thái Lan từ 16 tuổi trở lên sẽ nhận được 10.000 baht (hơn 280 USD, tương đương 7 triệu đồng Việt Nam) để chi tiêu.
Thủ tướng Srettha kỳ vọng chính sách này sẽ đóng vai trò kích hoạt, đánh thức nền kinh tế Thái Lan và ông dự báo nền kinh tế quốc gia sẽ thu lợi nhiều gấp bốn lần so với số tiền 16 tỉ USD phát không cho người dân.
Chưa dừng ở đó, đầu tháng 10-2023, chính phủ và các hiệp hội sản xuất tiêu dùng Thái Lan đã có một quyết định cực kỳ mạnh mẽ là đồng loạt giảm giá hàng hóa từ nay cho đến hết tháng 12 để người dân được thả ga mua sắm.
Cụ thể là có 288 nhà điều hành doanh nghiệp, bao gồm 88 nhà sản xuất thực phẩm và nhu yếu phẩm cùng 83 chuỗi cửa hàng bách hóa và nhà bán lẻ lớn, đã đồng ý hỗ trợ biện pháp giảm giá hơn 151.000 hàng hóa và dịch vụ từ nay đến cuối năm.Bộ trưởng Thương mại Thái Lan cho biết việc giảm giá các mặt hàng tiêu dùng sẽ kích thích chi tiêu, tạo ra hiệu ứng phát triển và kích thích nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng ít nhất là 5%.
Nhà nước Việt Nam cũng tiến hành một số chính sách kích thích kinh tế tăng trưởng, chẳng hạn từ 1-7-2023 đến hết năm 2023 giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8%.
Chính sách này kỳ vọng sẽ hỗ trợ giảm thuế khoảng 44.000 tỉ đồng, đồng thời hỗ trợ kích cầu tiêu dùng, góp phần thúc đẩy sản xuất và kinh doanh nhằm đưa nền kinh tế đất nước sớm hồi phục và đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước. Cùng với đó Chính phủ ban hành gói 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội triển khai đến năm 2030.
Tuy nhiên việc giảm 2% thuế VAT và gói 120.000 tỉ đồng ít tác động trực tiếp tới mỗi người dân trong vai trò người tiêu dùng. Có thể do quan điểm phát triển khác nhau nên mỗi quốc gia có những đường lối và phản ứng chính sách khác nhau.
Nếu Thái Lan, Malaysia và các nước châu Âu có chủ trương kích thích tiêu dùng bằng cách bỏ tiền vào ví từng người dân hoặc giảm giá mạnh hàng hóa thì Việt Nam tập trung vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các chính sách tăng trưởng vĩ mô để nhờ đó người dân hưởng lợi theo kiểu “nước lên, thuyền lên”.
Cho dù các giải pháp mang tầm vĩ mô hay vi mô, ngắn hạn hay dài hạn thì việc làm cho hoạt động kinh tế và đời sống xã hội sôi động trở lại vẫn là một mối quan tâm cần thiết, bởi bối cảnh kinh tế ảm đạm thì người dân khó vui cho nổi, nói như Nguyễn Du rằng: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.