Là thành phố thủ phủ của Quảng Ninh, để đẩy mạnh phát triển kinh tế, thời gian qua TP Hạ Long đã ban hành các kế hoạch kịch bản tăng trưởng kinh tế, trong đó thương mại, dịch vụ, du lịch được chú trọng.

Trước hết, thành phố tập trung rà soát tình hình hoạt động của các đơn vị sản xuất kinh doanh, các điểm mua sắm, cung ứng dịch vụ du lịch kết hợp mua sắm phục vụ khách du lịch. Đồng thời, thành phố cũng tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm; tham gia các hội chợ trưng bày, giới thiệu, bán các sản phẩm OCOP…

9 tháng năm 2023, các phòng chức năng đã hướng dẫn, lựa chọn gần 50 đơn vị với 81 gian hàng tham gia các hội chợ OCOP, hội nghị trưng bày, giới thiệu, cung ứng sản phẩm.
Nhân viên Viettel Quảng Ninh hướng dẫn khách hàng ại Chợ Hạ Long I, TP Hạ Long cài đặt ứng dụng Viettel Money để thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh Hoàng NgaNhân viên Viettel Quảng Ninh hướng dẫn khách hàng tại Chợ Hạ Long I (TP Hạ Long) cài đặt ứng dụng Viettel Money để thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: Hoàng Nga
Cùng với đó, thành phố còn tích cực quản lý nhà nước đối với các chợ trên địa bàn, giải quyết kiến nghị của các hộ tiểu thương tại các chợ, như: Đơn thư của các hộ tiểu thương ngành hàng hải sản chợ Cái Dăm; vướng mắc trong công tác khai thác, quản lý hoạt động của 6 chợ cấp phường do HTX Hải An chi nhánh tại Quảng Ninh trúng thầu quản lý…

Để tạo thuận lợi cho các tiểu thương, người dân trong mua bán, trao đổi hàng hóa, TP Hạ Long còn đẩy mạnh triển khai mô hình chợ 4.0 – thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn. Đến nay, tiểu thương tại hầu hết các chợ ở thành phố đều có mã quét QR để người mua chuyển tiền qua tài khoản một cách dễ dàng. Nhờ vậy, giá trị sản xuất ngành dịch vụ 9 tháng năm 2023 của TP Hạ Long đạt khoảng 44.983,29 tỷ đồng.

Đặc biệt, sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, TP Hạ Long tập trung mạnh để phục hồi du lịch. Thành phố đã triển khai kế hoạch thực hiện Đề án phát triển du lịch TP Hạ Long đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; trong đó hướng dẫn xã Bằng Cả triển khai phương án phát triển các sản phẩm du lịch, kết nối các điểm du lịch; hướng dẫn các xã xây dựng phương án, đảm bảo thực hiện mục tiêu mỗi xã một mô hình du lịch cộng đồng.
Rực rỡ sắc màu lễ hội đầu năm của người Dao Thanh Y ở Bằng Cả (TP Hạ Long). Ảnh: Tạ QuânLễ hội đầu năm của người Dao Thanh Y ở xã Bằng Cả (TP Hạ Long). Ảnh: Tạ Quân
Để đa dạng hóa các sản phẩm, loại hình thu hút du lịch, TP Hạ Long còn xây dựng các sản phẩm du lịch mới. Trong 8 sản phẩm du lịch được thành phố dự kiến hình thành trong năm 2023, đến nay có 3 sản phẩm hoàn thành, gồm: Điểm check-in hồ Hải Thịnh; nghe nhạc trên tàu du lịch, tàu nhà hàng trên Vịnh Hạ Long; phố đi bộ Bài Thơ…

Thành phố tiếp tục khảo sát một số địa điểm, sản phẩm du lịch mới, có tiềm năng trên địa bàn các xã, tập trung chủ yếu vào các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm; thúc đẩy kết nối các điểm du lịch giữa các địa phương. Hiện nay, việc hợp tác trong phát triển du lịch với huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) được TP Hạ Long thực hiện. Đồng thời, thành phố còn xây dựng đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm đồng quê HTX Nông, lâm, ngư nghiệp Việt Hưng, xã Sơn Dương”; hướng dẫn thành lập Tổ du lịch cộng đồng, Tổ sản xuất rượu Bâu, CLB văn nghệ truyền thống trực thuộc UBND xã Bằng Cả…

Mặt khác, TP Hạ Long cũng chú trọng thu hút đầu tư, hoàn thiện hạ tầng phục vụ du lịch; tổ chức 2 hội nghị gặp mặt, tiếp xúc doanh nghiệp du lịch để lắng nghe, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Nhiều khách sạn lớn được các doanh nghiệp đưa vào sử dụng, như: Khách sạn Grand Fleuve Boutique, Grand View Palace Hạ Long, Peace Hotel Hạ Long, Alacarte.
Du khách quốc tế tham quan Vịnh Hạ Long từ Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long. Ảnh: Hoàng QuỳnhDu khách quốc tế tham quan Vịnh Hạ Long từ Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long. Ảnh: Hoàng Quỳnh
Thành phố cơ bản hoàn thành gắn biển tên đường, tên phố; kêu gọi thu hút đầu tư các nhà vệ sinh công cộng; đẩy nhanh các dự án hạ tầng giao thông kết nối từ trung tâm thành phố lên các xã…

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, thành phố tiếp tục nghiên cứu, số hoá các khu, điểm du lịch trên địa bàn và hiện đã tiến hành khảo sát, thực hiện số hoá, chuẩn bị báo cáo sản phẩm thử nghiệm tại Trung tâm văn hoá núi Bài Thơ, chùa Long Tiên.

Đặc biệt, thành phố chú trọng các biện pháp quản lý nhà nước về môi trường kinh doanh du lịch, nhất là chất lượng, giá cả, nguồn gốc hàng hóa, thuế và áp dụng thu thuế điện tử, phòng chống cháy nổ, quản lý người nước ngoài hoạt động trên địa bàn, ngăn chặn các hành vi đeo bám, chặt chém, chèo kéo đối với du khách. 9 tháng năm 2023, Hạ Long đã kiểm tra 13 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, xử lý vi phạm hành chính đối với 3 tổ chức, cá nhân vi phạm với tổng số tiền xử phạt là 22 triệu đồng và yêu cầu khắc phục các tồn tại, hạn chế đối với các hành vi vi phạm; xác minh, xử lý kiến nghị liên quan đến môi trường kinh doanh theo các nội dung phản ánh, qua đó xử phạt 4 cá nhân, đơn vị với số tiền 35,5 triệu đồng; tiếp nhận, xử lý 60 phản ánh, kiến nghị của công dân qua đường dây nóng du lịch.

Thành phố cũng tăng cường nhiều biện pháp quản lý, tổ chức các hoạt động, sự kiện, loại hình thu hút khách du lịch trong các dịp lễ, tết, như: Carnaval Hạ Long 2023, lễ hội đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn, triển lãm ảnh nghệ thuật TP Hạ Long, lễ hội thả diều, liên hoan các nhóm nhảy hiện đại, chương trình âm nhạc đường phố, dân vũ, tổ chức tuyến phố đi bộ Bài Thơ, tăng cường quản lý bãi tắm, các khu, điểm du lịch…

Nhờ các giải pháp nói trên, tính đến ngày 25/9/2023, TP Hạ Long đón trên 6,732 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế đạt 877.000 lượt khách. Tổng thu từ du lịch đạt 14.879 tỷ đồng, bằng 87,7% so với cùng kỳ năm 2019, bằng 131% so với cùng kỳ năm 2022, bằng 79,8% so với kịch bản tăng trưởng.